Thông thường, 90% trường hợp thiếu máu là do thiếu sắt. Việc thiếu sắt kéo dài để lại nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là với trẻ em. Vậy đâu là nguyên nhâ, triệu chứng cũng như cách thức chữa trị, phòng ngừa. Hãy cùng Vietcapital tìm hiểu nhé!
THIẾU MÁU THIẾU SẮT LÀ GÌ?
Thiếu máu thiếu sắt là một bệnh rối loạn dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Theo số liệu của WHO năm 2001, 30% trẻ em từ 0-4 tuổi và 48% trẻ em từ 5-14 tuổi ở các nước đang phát triển mắc bệnh thiếu sắt. Bệnh này cũng rất phổ biến ở phụ nữ có thai, 42% ở các nước đang phát triển
Sắt là nguyên liệu quan trọng để tuỷ xương sản xuất Hemoglobin (Hb), Hb là cái khung của hồng cầu. Trong cơ thể sắt được dự trữ trong hồng cầu và Ferritin, trong khi đó Transferrin là một protein có vai trò như hệ thống xe tải vận chuyển sắt trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu sắt, sắt từ kho chứa Ferritin sẽ được sử dụng để tạo máu, nếu hiện tượng thiếu sắt vẫn kéo dài, tới một ngày Ferritin sẽ cạn kiệt và tuỷ xương thiếu nhiên liệu sắt sẽ giảm tạo máu, khi đó thiếu máu sẽ xuất hiện.
Như vậy thiếu sắt là hiện tượng mất cân bằng sắt trong cơ thể, biểu hiện bằng giảm Ferritin và độ bão hoà Transferrin (là phần trăm transferrin có chuyên chở sắt). Thiếu máu là giai đoạn cuối của quá trình này, tuy nhiên thông thường người ta hay dùng từ thiếu máu thiếu sắt trên lâm sàng.
NGUYÊN NHÂN CỦA THIẾU MÁU THIẾU SẮT

nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt
Các yếu tố chính gây thiếu máu thiếu sắt gồm có:
– Chế độ ăn thiếu sắt kèm với nhu cầu sắt cao do tốc độ phát triển nhanh ở trẻ em.
– Uống sữa bò quá nhiều ở trẻ nhỏ.
– Trẻ sinh non, nhẹ cân
– Mất máu chậm, mãn tính, chủ yếu là là đường tiêu hoá hay kinh nguyệt ở phụ nữ
Trẻ sơ sinh:
Ở trẻ sơ sinh, lượng sắt dữ trữ được thừa hưởng từ mẹ vào khoảng 75mg/kg, chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Sau khi sinh trẻ sẽ có hiện tượng thiếu máu sinh lý. Tuy nhiên lượng sắt dự trữ này sẽ đủ cho trẻ dùng để tạo máu trong 6 tháng. Sau đó trẻ bắt đầu ăn dặm và được bổ sung sắt từ thức ăn kịp thời từ sáu tháng trở lên. Dùng chữ kịp thời là vì ở trẻ bú mẹ hoàn toàn, sắt từ sữa mẹ không đủ nhu cầu cho trẻ.
Sắt trong sữa mẹ cao nhất trong tháng đầu, giảm dần tới chỉ còn 0.3mg/L vào lúc 5 tháng. Cho nên nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn mà không ăn dặm tốt từ 6 tháng sẽ có nguy cơ thiếu sắt cao.
Trẻ bú sữa công thức thì không có nguy cơ cao thiếu máu trước 1 tuổi vì sữa công thức đã có bổ sung sắt khoảng 12 mg/L. Chế độ ăn của mẹ không làm thay đổi lượng sắt trong sữa mẹ.
Điều may mắn là sắt trong sữa mẹ có khả năng hấp thu cao hơn (50%), tuy nhiên vẫn không đủ nhu cầu.
Trẻ sinh non, nhẹ cân sẽ có lượng sắt dự trữ ít hơn, thêm vào hay mất máu do các bệnh tật sau sinh, xét nghiệm nhiều nên nguy cơ thiếu sắt cao.
Trẻ trên 6 tháng tuổi
Chế độ ăn sau 6 tháng tuổi nên chứa nhiều sắt, phosphorus, kẽm, Mg, vit B6, Ca. Chế độ ăn của trẻ nên có các thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, cá, trứng, Vit C.
Theo WHO, nếu chế độ ăn hợp lý sẽ cung cấp 98% lượng sắt cần thiếu cho trẻ từ 6-23 tháng. Nếu trẻ không được ăn chế độ ăn giàu sắt sau 6 tháng tuổi, lúc sắt dự trữ đã hết và bú mẹ hoàn toàn, thì sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt sớm.
Một sai lầm thường gặp là cha mẹ cho trẻ uống quá nhiều sữa bò thay thức ăn, trẻ có thể bụ bẩm nhưng thiếu máu. Chuyện trẻ bụ bẫm và thiếu máu là hai chuyện không liên quan với nhau. Nhiều người cứ bảo trẻ bụ bẫm mà sao thiếu máu vậy bác sĩ.
Sữa bò có nhiều caseinophosphopeptides và Ca sẽ gây rối loạn hấp thu sắt kèm theo chế độ ăn thiếu sắt làm trẻ thiếu sắt. Ngoài ra một số trẻ sẽ có hiện tượng chảy máu rỉ rả từ ruột do dị ứng đạm sữa bò sẽ gây ra thiếu sắt do mất máu.
Ở trẻ lớn và người trưởng thành:
Nguyên nhân chảy máu mãn tính, chảy máu từ từ nên được chú ý, chủ yếu từ các bệnh gây chảy máu đường tiêu hoá mãn. Ở trẻ gái vị thành niên, 2% có thiếu máu thiếu sắt do chảy máu nhiều từ kinh nguyệt kèm theo tốc độ phát triển nhanh, nên chú ý hỏi về sức khoẻ sản khoa trong các lần khám định kỳ.
Người ăn thực vật hoàn toàn:
Những người ăn thực vật hoàn toàn sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Sắt trong thức ăn có 2 loại heme (từ Hemoglobin của các loại thịt và cá) và non-heme (từ thực vật). Heme Fe được hấp thu cao tới 30% trong khi non-heme Fe chỉ được hấp thu có 2-10%. Ngoài ra các thức ăn giàu Vitamin C cũng giúp hấp thu sắt dễ dàng hơn.
NHU CẦU SẮT (NGUYÊN TỐ) MỖI NGÀY
Trẻ sinh non <37 tuần, từ 1-12 tháng: 2mg/ngày nếu bú mẹ hoàn toàn, 1mg/ngày nếu bú sữa công thức
Trẻ đủ tháng từ 4-12 tháng: 1mg/ngày nếu bú mẹ, không cần bổ sung nếu bú sữa công thức
Từ 1-3 tuổi: 7mg/ngày
Trẻ 4-8 tuổi: 10mg/ngày
Từ 9-13 tuổi: 8mg/ngày
13-18 tuổi: 11mg/ngày cho trẻ nam và 15mg/ngày cho trẻ nữ
Người lớn: 8mg/ngày (nam) và 18mg/ngày (nữ)
Phụ nữ có thai: 27mg/ngày
Trẻ vận động thể lực nhiều và ăn chay sẽ cần lượng sắt cao hơn.
TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU THIẾU SẮT
Thiếu máu thiếu sắt là giai đoạn cuối cùng của thiếu sắt, cho nên triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt là không triệu chứng. Khi thiếu máu rõ rệt thì mới bắt đầu có các triệu chứng sau:
– Xanh xao, nhợt nhạt
– Móng lõm hình thìa
– Cơ bắp: giảm sức cơ, khả năng vận động
– Tim mạch: giảm sức bơm của tim, nhịp tim nhanh, tim to, suy tim
– Tiêu hoá: viêm miệng, nướu, biếng ăn, khó nuốt, Pica (ăn những thứ không phải thức ăn như đất, sơn,…)
– Giảm chức năng miễn dịch
– Rối loạn hành vi, ADHD, giảm khả năng học tập, rối loạn giấc ngủ, cơn khóc lặng, ngất, liệt dây tk 6
– Tăng hấp thu kim loại nặng làm tăng khả năng ngộ độc kl nặng.
Tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân ở không có triệu chứng rõ rệt, đặc biệt là trẻ nhỏ, nên ở Mỹ tất cả các trẻ 1 tuổi đều được tầm soát thiếu máu thiếu sắt bằng test định lượng nhanh Hb.

móng tay ở người thiếu máu thiếu sắt
CHẨN ĐOÁN THIẾU MÁU THIẾU SẮT
Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt khá đơn giản, nếu bác sĩ khám có triệu chứng hay cần tầm soát chỉ cần làm xét nghiệm công thức máu tổng quát xem có thiếu máu không?
Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, sắc ở đây là sắc tố đỏ hay là lượng Hb trong hồng cầu. Các yếu tố cần xem xét trong một công thức máu
Hb: nồng độ Hb trong máu, ở trẻ 6 tháng-5 tuổi, nếu <11 g/dL là thấp
Hct: phần trăm thể tích hồng cầu trong máu, <33 (6-59 tháng)
MCV (thể tích hồng cầu trung bình): giảm -> hồng cầu nhỏ
MCH/MCHC; lượng Hb trong hồng cầu -> hồng cầu nhược sắc
Những lưu ý về xét nghiệm máu
Nếu đã có hồng cầu nhỏ nhược sắt thì sẽ cần tìm nguyên nhân. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất, nhưng còn nhiều nguyên nhân khác nữa như bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) chẳng hạn. Nên sẽ cần phải định lượng sắt huyết thanh, ferritin, transferrin saturation.
Trong các xét nghiệm này, ferritin và transferrin saturation sẽ giảm trước, sau đó tới sắt huyết thanh. Do đó, nếu chỉ xét nghiệm sắt huyết thanh có thể gây lầm tưởng là không thiếu sắt, vì sắt huyết thanh vẫn trong giới hạn bình thường trong khi ferritin và transferrin saturation đã giảm thấp.
Hiểu về công thức máu:
Công thức máu tuy là một xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản nhưng có thể cung cấp nhiều thông tin nếu chúng ta phân tích cẩn thận. Hơn một lần tôi dạy sinh viên, đưa ra một cái công thức máu có hồng cầu nhỏ nhược sắc thì được phán ngay là thiếu sắt. Tôi cười bảo chắc không phải là thiếu máu thiếu sắt, mà là thalassemia, chỉ số Mentzer nhỏ hơn 13 nhiều.
Chỉ số Mentzer là chỉ số tính bằng MCV/RBC, nếu >13 thì nghiêng về thiếu máu thiếu sắt, <13 thì nghiêng về Thalassemia, càng cách xa số 13 thì càng chính xác
Sở dĩ có điều này là do trong Thallasemia, tuỷ xương có đầy đủ nhiên liệu tạo hồng cầu, nhưng do khiếm khuyết về gene nên tạo ra hồng cầu giảm chất lượng (nhỏ, làm giảm MCV mạnh) nhưng số lượng hồng cầu (RBC) không giảm mạnh. Còn trong thiếu máu thiếu sắt, tuỷ xương không đủ nhiên liệu sắt để tạo hồng cầu nên số lượng hồng cầu (RBC) giảm mạnh và kèm theo hồng cầu kém chất lượng. Mẫu số giảm mạnh làm phân số cao hơn. Nên đọc cái Công thức máu, nếu thiếu máu rất nhẹ hoặc không thiếu máu mà MCV giảm mạnh thì coi chừng là Thalassemia. Đừng vội vàng cho bổ sung sắt.
Cần chẩn đoán chính xác, tránh nhầm lẫn:
Lý do tôi viết phần này dài như vậy là vì không biết từ đâu, các bạn PAs, NPs, thậm chí MDs bên Mỹ có cách tiếp cận và điều trị thiếu máu ở trẻ em rất cẩu thả và kỳ cục. Trẻ em tới khám định kỳ, được thử Hb cho kết quả thấp, tự động được cho sắt 6 tháng. Có người còn không cần kiểm tra Hb lại.
Cách tiếp cận này mặc định thiếu máu ỏ trẻ em là thiếu sắt, có thể đúng trong hầu hết trường hợp, nhưng chắc chắn sẽ bỏ sót điều trị sai các trường hợp còn lại không phải do thiếu sắt như Thalassemia (tan máu bẩm sinh), suy tuỷ, bạch cầu cấp, ngộ độc chì, thiếu B12,…. Đây là một cách tiếp cận rất cẩu thả và là một cái bẫy cho bác sĩ. vì một ngày nào đó mình sẽ bỏ sót một trường hợp thiếu máu do nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn.
Thỉnh thoảng tôi lại có một bệnh nhân uống sắt trường kỳ mà vẫn thiếu máu, bác sĩ điều trị trước đây có khi không thèm làm cả cái công thức máu, cuối cùng thì ra là tan máu bẩm sinh hay các loại bệnh hemoglobin khác.
ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU THIẾU SẮT
Tiếp cận thiếu máu thiếu sắt thường theo 3 bước
– Chẩn đoán xác định thiếu máu thiếu sắt
– Tìm nguyên nhân gây thiếu sắt và giải quyết. Nếu là chế độ ăn không hợp lý thì tư vấn thay đổi chế độ ăn. Nếu là do chảy máu kéo dài thì giải quyết nguyên nhân chảy máu
– Bù sắt
Điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng cách bù sắt.
Vấn đề bù sắt tưởng đơn giản nhưng vẫn có nhiều bất cập trên thực hành lâm sàng
Sắt có 2 loại chính Ferrous (2+) và Ferric (3+), tuy nhiên ferric khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành ferrous để cơ thể có thể hấp thu. Vì vậy ferrous là loại muối sắt chủ yếu để bù sắt.
Trong các loại muối sắt ferrous sulfate, ferrous gluconate, ferrouse succinate, ferrous fumarate thì ferrous sulfate là loại thường được sử dụng nhất vì là loại được nghiên cứu nhiều nhất và có hiệu quả tốt nên các loại khác không được nhiên cứu nhiều.
Cho dù là loại nào liều sắt được tính theo sắt nguyên tố (element), 3-6 mg/kg/ngày trong 3-4 tháng.
Sau khi bù sắt khoảng 2 tuần, bệnh nhân bắt đầu có cải thiện trên công thức máu và các triệu chứng sẽ giảm. Sau 4 tuần thì công thức máu sẽ gần như bình thường. Tuy nhiên vẫn phải bù thêm vài tháng nữa để đổ đầy vào cái kho ferritin đã cạn kiệt, chứ không phải hết thiếu máu là ngưng.
Những điều cần lưu ý khi bù sắt:
Tác dụng phụ hay gặp là kích thích đường tiêu hoá gây đau bụng, xót ruột, táo bón, buồn nôn, nôn ói.
Sắt hấp thu tốt nhất khi bụng đói, tuy nhiên hay gây xót ruột nên thường được uống ngay sau khi ăn. Có thể uống hai lần hay một lần trong ngày (nếu thuốc gây xót ruột).
Sắt hấp thu tốt hơn nếu uống kèm với Vitamin C, tuy nhiên giá thành sẽ cao hơn.
Khi uống có thể pha với nước, nước trái cây, nên uống với ống hút để tránh thuốc tiếp xúc với răng. Nếu cho uống bằng ống nhỏ thì nên nhỏ sâu vào miệng sẽ đỡ hại cho răng.
Dung dịch sắt có thể nhuộm đen răng, nếu răng lỡ bị đen thì súc miệng với baking soda (sodium bicarbonate) hay oxy già 3% là hết đen.
Nếu lỡ quên uống thì thôi, tiếp tục uống liều tới bình thường, không cần uống gấp đôi.
PHÒNG NGỪA
– Phụ nữ có thai nên bổ sung sắt
– Trẻ sinh non, nhẹ cân nên bổ sung sắt sớm
– Trẻ đủ tháng nên cho ăn dặm sớm lúc 6 tháng
– Chế độ ăn nên cân bằng, chú ý các loại thức ăn có nhiều sắt.
– Không nên cho bú quá nhiều sữa bò
– Nên tầm soát thiếu múa thiếu sắt ít nhất 1 lần lúc 1 tuổi
– Nếu cần bù sắt nên bù đúng liều, đủ thời gian.
– Chú ý các vấn đề gây mất máu như kinh nguyệt ở trẻ vị thành niên.
THIẾU VITAMIN D CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN SỨC KHỎE CỦA BẠN?
BỔ SUNG CHẤT DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI ĂN CHAY CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?
Comments (No)