NGUYÊN TẮC CHO VAY MƯỢN TIỀN!

NGUYÊN TẮC CHO VAY MƯỢN TIỀN!

Chuyện cho vay mượn không có hồi kết

Chuyện cho vay mượn không có hồi kết luôn nè!

Điều tối kỵ nhất giữa những người bạn với nhau là gì? Nếu như bạn hỏi 10 người thì cả 10 người họ nhất định sẽ trả lời bạn rằng đó là câu chuyện vay mượn tiền muôn thuở.

Người xưa có câu: Nói đến chuyện vay mượn tiền có thể làm ảnh hưởng tới tình cảm, nếu như nói chuyện tình cảm thì tốt nhất đừng nói tới chuyện tiền bạc.

Có nhiều người vì chuyện mượn tiền mà gây mâu thuẫn, xích mích với bạn , thậm chí còn không muốn nhìn mặt nhau, cắt đứt quan hệ bạn bè.

Người Do Thái là những người giỏi về quản lí tài sản nhất, họ lưu truyền một câu nói chí lý như thế này:

“Đừng bao giờ cho bạn bè vay mượn tiền, cho một người vay mượn tiền cũng đồng nghĩa với việc bớt đi một người bạn”

Khi cho vay mượn tiền thì có thương lượng, bàn bạc đàng hoàng, tử tế, khi trả lại tiền thì rất có thể không cần tới thể diện, mặt mũi.

Nguyên tắc cho vay mượn tiền sẽ duy trì thế nào trong mọi mối quan hệ 

Sau khi chính mình là người đã từng đi vay mượn tiền và cho vay mượn tiền với góc độ cá nhân tình cảm anh em… thì tôi đã đặt ra một nguyên tắc về tài chính cá nhân rất rõ ràng đó là không cho vay mượn tiền.

Không cho vay mượn tiền thì có thể mất bạn bè, họ hàng, nhưng cho vay mượn tiền thường mất cả bạn bè, họ hàng lẫn tiền.

Nhưng sự thật là, khi tôi nói rõ nguyên tắc không cho vay mượn tiền này, mọi người đều rất tôn trọng và hiểu cho mình.

Quan hệ với mọi người vẫn rất tốt đẹp, thậm chí còn có những mối quan hệ thân tình hơn nữa và giúp nhau được nhiều mặt trong cuộc sống để cùng liên tục tiến lên.

Đôi khi có một số trường hợp tôi vẫn cho vay mượn tiền nhưng trong khoản ngân sách cho phép mà dù rằng mất đi thì mình cũng không phải đau khổ và không hạnh phúc.

Mối quan hệ đó có thể mình không duy trì nữa vì thiếu uy tín nhưng số tiền mất đi vì nằm trong khoản cho phép nên không ảnh hưởng đến cuộc sống.

Còn lại hầu hết các mối quan hệ khác vẫn cứ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau.

Hầu hết, vấn đề là mọi người thường có xu hướng cả nể, nên sợ được lòng trước mất lòng sau.

Nhưng khi tuân thủ nguyên tắc về tài chính cá nhân là không cho vay mượn tiền. “Mất lòng trước được lòng sau”, mọi vế phía sau đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Nhiều mối quan hệ đổ vỡ vì luôn kiểu sợ mất lòng nhau và không có nguyên tắc rõ ràng trong vấn đề tiền bạc.

Chính vì vậy, nên cứ đụng đến tiền là mất mối quan hệ. Đụng cho vay mượn tiền là mất luôn tình anh em.

Cứ mất lòng trước được lòng sau, nguyên tắc rõ ràng như vậy quan hệ sẽ bền vững.

Hãy nhớ, việc của bạn không phải là cả nể và nói có với tất cả mọi yêu cầu mà phải học cách nói không với hầu hết mọi thứ.

Tôi có nhiều ông anh siêu giàu, họ có thể không cho bạn bè vay mượn tiền nhưng sẽ sẵn sàng cho đi hàng tỷ đồng để làm từ thiện mà không mong cầu nhận lại bất cứ điều gì.

Không phải vì họ ích kỷ hay kẹt sỉ, mà là người đã từng trải, chúng tôi có nguyên tắc rất rõ ràng.

Giúp một người bằng cách cho vay mượn tiền nhưng không giúp người đó thay đổi nhận thức thì thực ra lại vô tình biến họ thành kẻ vô ơn, là hại thêm họ.

Nhưng bạn biết không, ai cho vay tiền tôi vẫn nhận nhé hứa sẽ trả đầy đủ gốc lãi… bạn tin không?

Tổng hợp 12 nguyên tắc vay tiền, mượn đồ của người văn minh

1. Người khác cho bạn mượn đồ, mượn tiền vì họ quý bạn, mến bạn chứ đó hoàn toàn không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ của họ. Đừng oán trách nếu người đó từ chối.

2. Bạn kiếm được bao nhiêu là chuyện của bạn, tôi kiếm được bao nhiêu là chuyện của tôi. Đừng dè bỉu mấy câu đại loại như “Nhiều tiền mà ki thế”, “Nhiều tiền mà vay mấy đồng cũng đòi lên đòi xuống”. Mấy đồng không làm tôi giàu lên hay nghèo đi nhưng nó thuộc phạm trù sự tin tưởng. Hơn nữa, chúng ta bình đẳng, tôi không phải mạnh thường quân và bạn cũng không phải người cần hỗ trợ từ thiện.

3. Đừng vay một số tiền vượt quá khả năng của bạn. Nghĩa là bạn có thể vay, nhưng hãy vay trong chừng mực nhất định, đừng vay lố trong trường hợp bạn biết chắc chắn mình sẽ không thể làm gì để kiếm lại đủ tiền trả nợ.

4. Bạn hiểu nguyên tắc có đi có lại không? Hãy biết ơn người đã từng cho bạn mượn đồ, mượn tiền vì ít nhất trong khoảnh khắc nào đó, họ đã coi trọng bạn hơn món đồ hay số tiền kia. Vì vậy đừng keo kiệt nếu một ngày kia họ cần đến sự giúp đỡ của bạn, ok không?

5. Mượn tiền thì mượn bao nhiêu, trả bấy nhiêu. Trừ trường hợp bất khả kháng còn không đừng nay trả một ít, mai trả một ít, khó chịu lắm.

6. Người khác cho bạn mượn tiền và bạn có nghĩa vụ phải trả lại. Đừng mặt nặng mày nhẹ như thể họ mới là người nợ tiền bạn.

7. Lúc mượn đồ như thế nào thì khi trả nhớ trả đúng nguyên trạng. Ví dụ: quần áo nhớ giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng; xe cộ nhớ đổ lại xăng…

8. Hứa trả vào ngày nào thì nhớ đúng hẹn. Không chuẩn bị kịp tiền thì phải báo trước cho người ta, đừng chờ đến hẹn mới viện cớ qua loa nói không có rồi khất lần.

9. Đang mượn tiền, thân mang nợ thì mình tem tém đi một chút, bớt post hình đi du lịch, mua sắm, ăn chơi lại nhé. Chứ làm vậy tội người cho mình vay tiền lắm luôn!

10. Mượn tiền của ai thì đích thân trả cho người đó, đừng làm trò trả nợ bắc cầu kiểu mượn của người này rồi nói đứa kia còn nợ tao, giờ coi như nó nợ mày. Ủa mắc gì lòng vòng vậy?

11. Trong trường hợp bạn mượn đồ và lỡ tay làm hỏng, hãy mạnh dạn đứng ra nhận trách nhiệm. Khỏi đổ vấy, khỏi vòng vo tam quốc. Sự thật thà, chân thành có đôi khi sẽ giúp bạn thoát khỏi mọi rắc rối thay vì lươn lẹo, trí trá đấy.

12. Đừng tự ý đụng vào đồ của người khác rồi dùng nó một cách tự nhiên như không dù có thể hai bạn thân lắm thân vừa. Hỏi mượn một câu không tốn của bạn bao nhiêu công sức mà nó còn giúp tạo cho bạn một thói quen lịch sự và cho đối phương cảm giác được tôn trọng.

Cho vay, đòi tiền sao cho đúng pháp luật để không phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản của người khác ?

Tình trạng cho người thân quen vay số tiền lớn nhưng không hề lập giấy tờ, biên nhận là thường diễn ra trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp người thân quen dựa vào đó mà trở mặt, không chịu trả lại số tiền đã vay dẫn đến người cho vay rơi vào cảnh thiệt thòi, không đòi được tiền vì không có giấy tờ gì để chứng minh mình cho vay tiền.

Vậy trong trường hợp này đòi nợ sao cho đúng luật để không phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản là câu hỏi đặt ra đối với không ít người trong cuộc sống hiện nay.

Dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau nên giải quyết thông qua thỏa thuận hoặc thông qua con đường tòa án.

Thay vì đơn phương thực hiện hành vi lấy đi tài sản của người vay để trừ nợ.

Nắm vững cơ sở pháp lý trong nguyên tắc cho vay mượn tiền

Pháp luật tố tụng dân sự quy định rằng, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau và các bên không thỏa thuận được thời gian, thời hạn trả nợ cũng như số nợ phải trả, số lãi phải trả thì bên cho vay có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Pháp luật quy định giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Việc cho vay tiền giữa hai bên là giao dịch dân sự được pháp luật công nhận.

Đâu là bằng chứng được công nhận trước toà

Vậy tin nhắn điện thoại và email có được xem là bằng chứng không? Cần phải làm gì để cung cấp bằng chứng cho Tòa án khi khởi kiện?

Theo Điều 10 Luật Giao dịch Điện tử 2005 thì: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.”

Căn cứ theo luật quy định thì tin nhắn, email thỏa thuận việc cho vay tiền cũng đã là giao kết và có thể làm bằng chứng tại Tòa.

Để có giá trị chứng minh tốt nhất khi giải quyết tranh chấp tại Tòa thì bên cho vay nên lập vi bằng để ghi nhận những nội dung tin nhắn trong điện thoại và email để làm chứng cứ tại Tòa.

Tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập…

Khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh người vay tiền đã vi phạm nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn, thì người cho vay có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bên vay phải có nghĩa vụ trả tiền vay cho mình theo quy định.

Vậy muốn khởi kiện thì Tòa án ở đâu có thẩm quyền giải quyết vụ việc?

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu bị đơn là cá nhân thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Nếu trong trường hợp bên khởi kiện không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, căn cứ pháp lý, tòa án sẽ ra một phán quyết cho người cho vay tiền; nếu có căn cứ thì yêu cầu người vay tiền phải trả cho người cho mượn số tiền đã vay.

Trong trường hợp này, tòa án nhân danh công lý, nhân danh pháp luật, căn cứ theo quy định của pháp luật để ra một phán quyết hợp pháp.

Trong trường hợp tòa án đã ra phán quyết nhưng người vay tiền vẫn không trả được số tiền đã mượn thì người cho vay vẫn được tiếp tục quyền của mình, đó là yêu cầu tòa án giải quyết.

Sau khi có bản án của tòa án thì người cho vay có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành bản án, nghĩa là tìm hiểu người vay tiền có tài sản ở đâu để thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như phong tỏa tài sản của con nợ, thu hồi khoản nợ cho chủ nợ.

Những hành vi vi phạm pháp luật

Nếu trong quá trình đòi nợ xảy ra xô xát, hoặc vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc thực hiện hành vi lấy đi tài sản của người vay để trừ nợ thì theo quy định pháp luật xử lý như thế nào?

Nếu trong quá trình đòi nợ xảy ra xô xát, hoặc vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ có thể thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134, Bộ Luật hình sự.

Tức là người cho vay có thể dùng hành vi xô xát, đánh con nợ dẫn đến thương tích mà ở đây pháp luật quy định thương tích là 11% trở lên là có dấu hiệu để khởi tố vụ án với tội danh cố ý gây thương tích theo Điều 134 bộ Luật hình sự, có thể bị xử lý từ 6 tháng đến chung thân.

Hoặc trong quá trình đòi nợ vô tình gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của người vay tiền thì có thể cấu thành tội phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và mức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm được quy định tại Điều 138, Luật hình sự năm 2015.

Theo luật pháp, người cho vay thực hiện hành vi lấy đi tài sản của người vay tiền khi không có sự đồng ý của họ để trừ nợ là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản của người khác được quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo đó, tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi thể hiện sự chiếm đoạt tài sản của người khác, bằng cách đe dọa, dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.

Tại Điều 170 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định cụ thể về mức phạt đối với người có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác từ 01 năm đến 05 năm ở khoản 1 và từ 12 đến 20 năm ở khoản 4.

Ngoài ra, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản bị phạt từ 10 đến 100 triệu đồng và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản do cưỡng đoạt mà có.

Ngoài ra, theo quy định của Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015 tội cưỡng đoạt tài sản không quy định giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu, mà các hành vi này chỉ cần đáp ứng được các dấu hiệu của tội phạm về mặt khách quan và chủ quan.

Ví dụ người vay đang nợ số tiền là 30 triệu và người cho vay yêu cầu người vay phải giao tài sản là xe máy hoặc vật có giá khác… để cấn trừ nợ hoặc có hành vi đe dọa, thì đây là hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của người khác.

Như vậy mục đích ở đây chỉ là chiếm đoạt tài sản, còn không yêu cầu là chiếm đoạt tài sản giá trị bao nhiêu là đã cấu thành tội phạm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Để tránh những trường hợp như trên xảy ra, cần lưu ý trước khi cho vay tiền thì người cho vay cần phải tìm hiểu kỹ, đồng thời lập các giấy tờ văn bản cần thiết như giấy giao nhận tiền, thời hạn vay, thời hạn trả như thế nào… và khi xảy ra những tranh chấp thì những giấy tờ này sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc để sau này khởi kiện vụ việc ra Tòa.

Trong trường hợp sử dụng những biện pháp khác, ngoài biện pháp khởi kiện tại Tòa án thì người cho vay trước khi xử lý cũng phải tìm hiểu về pháp luật hoặc hỏi ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý về những việc mình làm, sẽ làm xem hậu quả cụ thể xảy ra có vi phạm pháp luật hay không.

Tóm lại, bạn hãy cân nhắc kĩ hơn và tìm hiểu rõ ràng về nguyên tắc cho vay mượn tiền, cùng với pháp luật để tránh những tình huống xấu xảy ra khi bạn đặt niềm tin sai chỗ nha!

Nếu bài viết này hay xin hãy chia sẻ và để lại bình luận với vietcapital.net nhé!

Comments (No)

Leave a Reply