NGƯỜI KHÔN KẺ KHỜ!

NGƯỜI KHÔN KẺ KHỜ!

Bài học đầu tiên của tôi để trở thành người khôn là phải học cho giỏi, được nhiều điểm 10. Sau này tôi rút ra kinh nghiệm để học giỏi rất dễ, chỉ cần học thuộc lòng thật giỏi.

Tổng kết học kỳ, tôi cao điểm hơn “đối thủ”, tôi thì hỷ hả, còn nó khóc tu tu. Kết quả là “đối thủ” đã thù ghét tôi mãi những năm tháng sau này.

Tất nhiên, trong lớp có kẻ khờ, học phọt phẹt thôi, nhưng ai cũng quý. Sau này ra đời không ai chấm điểm cho mình nữa. Chữ nghĩa bay đâu hết, mình phải tự dò dẫm bước đi.

Và uhm, trường đời trở thành trường học thực tế liên tục đưa ra các bài kiểm tra mà mỗi khi vượt qua ta lại trưởng thành hơn một chút.

Bạn có thuộc người khôn?

Người khôn kẻ khờ

Người khôn kẻ khờ

Người khôn không để ai bắt nạt. Họ luôn đảm bảo lợi ích của mình bằng hoặc hơn người khác, nhất định không để cho ai lấn lướt.

Cho nên Việt Nam có lẽ là đất nước có nhiều người khôn nhất thế giới. Xếp hàng hở cái là len lên. Giao thông mạnh ai nấy chạy, ai cũng tranh nhau “làm tổ trưởng” đứng lên trước.

Hơn nữa, nhiều nút tắc hai bên đối mặt thi gan cả tiếng. Va chạm thì ai to mồm hơn, hùng hổ hơn là người thắng.

Người khôn luôn phải là winner, chứ không bao giờ chấp nhận mình loser, dù có phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, hay máu.

Tất nhiên, họ sẽ vẫn là người hoà nhã, dễ thương cho tới khi bị đụng tới lợi ích. Họ sẵn sàng phùng mang trợn má để thể hiện uy lực ngay.

Sự khác biệt giữa kẻ khờ với người khôn 

Kẻ khờ thường bị coi là nhu nhược, yếm thế và dễ bắt nạt. Hắn thường tách mình ra khỏi đám đông, chờ đợi không biết tới bao giờ? Nhưng sao trông hắn thảnh thơi đến lạ.

Người khôn rất sợ “bị gà”. Mua hàng phải mặc cả từng đồng.

Có thể bạn đã nghe qua rất nhiều, mặc cả trở thành một nghệ thuật đàm phán thượng thừa: thích cũng phải chê thật lực, mạnh tay mặc cả giả nửa hoặc lạnh lùng bỏ đi.

Cũng có ít lần mình cảm thấy hả hê mua được món hời, nhưng nếu phát hiện té ra vẫn bị hố thì họ ấm ức, dằn vặt mãi.

Kẻ khờ đi chợ chẳng bao giờ mặc cả nên hay bị vợ mắng, người chê. Hắn nghĩ có hơn kém một vài đồng âu cũng là niềm vui nho nhỏ cho người bán.

Đơn giản, hắn không bao giờ hiểu được vấn đề không phải là một vài đồng, mà vấn đề là “không được để cho người khác coi mình là gà”.

Hắn không như người khôn, hắn không hả hê khi mua được món hời, những cũng chính vì vậy mà hắn không ấm ức, dằn vặt khi bị hố.

Người khôn kẻ khờ trong quan hệ vợ chồng

Vợ chồng nếu nhà có một người khôn thì nhất định người còn lại là kẻ khờ.

Vì trong mắt người khôn, người kia chắc chắn là kẻ khờ. Người khôn lao tâm khổ tứ, cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ, nỗ lực phấn đấu để có địa vị, có thu nhập…

Họ phải tự gánh lấy trách nhiệm cao cả là chăm lo cho gia đình, bởi vì họ nghĩ kẻ khờ quá vô tư, hay vô tâm để làm điều đó.
Và cái mà họ nhận được, họ thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.

Không những thế, về nhà nhìn thấy kẻ khờ cứ thong thả, không xoắn bắn việc này việc kia là họ ngứa mắt chỉ muốn cãi nhau.

Người khôn tự cho mình quyền điều khiển mọi thứ, mọi người trong gia đình. Trớ trêu thay họ chỉ nhận được toàn những điều bất như ý.

Chẳng bù cho kẻ khờ, lúc nào cũng thấy hắn vô tư hồn nhiên. Hắn chả bao giờ phải hối hả, vội vàng cả, thế mới điên.

Chắc bởi hắn nghĩ người khôn sẽ lo hết mọi chuyện? Đã thế thi thoảng phải buông thử cái gia đình để kẻ khờ lo cho hắn biết mặt.

Mọi thứ đúng là khác ý người khôn, nhưng gia đình lại có vẻ yên ổn hơn. Thế mới đểu.

Người khôn nhìn kẻ khờ thì ngứa mắt. Mà kẻ khờ nhìn người khôn lại thấy thương.

Vợ chồng người khôn, kẻ khờ còn đỡ. Hai thằng mà tranh nhau làm người khôn thì dễ đổ vỡ hơn nhiều.

Hạnh phúc nhất là hai thằng đều làm kẻ khờ. Nhiều đôi vợ chồng thủa hàn vi, còn là kẻ khờ thì hạnh phúc.

Khi một trong hai, hoặc cả hai khát khao làm người khôn, thì sống kiểu gì cũng không vừa lòng bu nó.

Người khôn kẻ khờ trong quan hệ bạn bè 

Tôi có nhiều bạn thông minh, tài giỏi, thành đạt… nhưng họ bận tối mặt tối mũi.

Gặp nhau đã khó, gặp rồi thì đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới công việc. Nói chuyện chỉ toàn là làm ăn và các cơ hội hợp tác.

Bạn bè là người khôn cứ như là đối tác. Mà đối tác thì đâu thể trải lòng hàn huyên tâm sự được. Haizz.

Người khôn cố gắng tích luỹ thật nhiều của cải vật chất. “Thỏ khôn còn đào 3 hang” nên người nào cũng phải cố có 3 cái nhà và hơn thế nữa.

Nhiều của cải, địa vị cao đồng nghĩa với việc có rất nhiều thứ để mất.

Vì họ sợ, sợ mất nhiều thứ nên phải dấu. Không chỉ dấu tiền, dấu nhà, người khôn còn dấu địa chỉ, dấu mặt, dấu tên…

Thói quen che dấu đó khiến họ phải dấu cả lòng. Rất nhiều nỗi niềm được dấu kín trong lòng, kết tủa trở thành tâm bệnh.

Kẻ khờ ngô ngê không sở hữu cái gì. Hắn chả có gì để mất nên cũng chẳng có gì để dấu.

Hắn sẵn sàng sống trải lòng mà không cần đề phòng vì hình như đó là tất cả những gì mà hắn có.

Đặc biệt là, tâm hồn hắn cứ nhẹ nhõm phơi phới ra mới sướng làm sao.

Thánh nhân đúng là đãi kẻ khù khờ chứ người khôn rồi đâu cần độ nữa.

Cả đời tôi học làm người khôn. Nhưng làm người khôn chẳng sung sướng gì. Càng đi tôi càng nhận ra mình đi lộn.

Thôi thì cố dành nốt phần đời còn lại để đi cho đúng. Hy vọng một ngày được thánh đãi.

Comments (No)

Leave a Reply